Theo các bậc cao niên trong xã kể lại, Đại Thành từng có một giống nhãn lạ. So với các giống khác, loại nhãn này chín rất muộn. Vì muốn trồng giống nhãn cho thu hoạch sớm hơn mà người dân đã đốn bỏ gần hết. Duy chỉ có ông Nguyễn Văn Cước (thân sinh anh Nguyễn Văn Thành) quyết tâm không chặt mà ông giữ cây nhãn ở góc vườn như một báu vật, chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo bởi giống nhãn này cho quả to, nhiều nước, vị ngọt dịu, thơm ngon...
Từ cây nhãn tổ có tuổi đời trên 120 tuổi ở Đại Thành người dân đã gây giống, nhân rộng ra cả vùng. Không chỉ có tiếng ở Thủ đô do giá trị kinh tế vượt trội tăng lên hàng năm, Hà Nội còn cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép của giống nhãn chín muộn cho các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Giàu lên từ trồng nhãn, cũng là người đầu tiên có công phát triển giống nhãn muộn Đại Thành, anh được bà con tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX nhãn chín muộn Đại Thành. Vừa chăm lo cho trang trại của mình, vừa lặn lội khắp nơi để quảng bá cho sản phẩm quê hương, công sức của anh đã được đền đáp ngày 21/8/2013, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ khoa học công nghệ đã ban hành Quyết định số 45844/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận “Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai” công nhận 583 thành viên của xã Đại Thành được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Với nhãn hiệu này, nhãn chín muộn Đại Thành có thể khẳng định chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững. Hy vọng với hướng đi hiện nay, nhãn chín muộn Đại Thành không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vươn xa trên thị trường thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét